Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Thực thi chính sách – chờ đến bao giờ?


Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ22) về việc hỗ trợ người có công về nhà ở là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với hộ gia đình người có công với cách mạng. Tuy nhiên, do thống kê của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và số liệu báo cáo sau đó theo đề án triển khai QĐ22 của các địa phương chênh lệch tới 4 lần, dẫn tới việc chưa thể bố trí kinh phí thực hiện theo lộ trình. “Sự cố” này dẫn đến tình trạng nhiều hộ gia đình có công đã tin tưởng vay vốn sửa chữa nhà ở nợ, rồi thắc thỏm chờ hỗ trợ.

Là gia đình có công, đã qua kiểm tra, thẩm định, nhiều hộ tin tưởng sẽ được hỗ trợ theo QĐ22 của Thủ tướng. Vì vậy, họ đã đi vay anh em, thậm chí vay lãi để xây, sửa nhà, rồi ngóng chờ hỗ trợ để… trả nợ. Trong khi đó, Bộ Xây dựng mới đây đã có công văn trả lời “chỉ triển khai thực hiện hỗ trợ sau khi có chủ trương của Chính phủ”. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn hộ gia đình người có công tiếp tục đợi chờ…

Vay lãi để sửa nhà


Theo QĐ của Thủ tướng Chính phủ, những hộ gia đình thuộc diện có công với cách mạng theo quy định sẽ được hỗ trợ về nhà ở. Theo đó, đối với những hộ phải xây mới sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà, hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà với những hộ phải sửa chữa. Nguồn vốn chủ yếu là nguồn vốn trung ương, các địa phương chỉ tham gia một phần nhỏ.


Thực hiện QĐ22, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo rà soát, lập đề án hỗ trợ. Việc thẩm tra, bình xét được tiến hành nghiêm ngặt, đúng đối tượng, đúng thành phần. Nhiều hộ gia đình có công sau khi được các cấp bình xét, chấp thuận hồ sơ đã tin tưởng sẽ được nhận tiền hỗ trợ.


Do yêu cầu cấp bách về nhà ở, họ đã đi vay, thậm chí vay lãi để xây, sửa nhà, rồi sau đó rơi vào tình cảnh ngóng chờ tiền chính sách, trong khi lãi ngày vẫn phải trả. Gia đình ông Lê Văn Tư, bà Nguyễn Thị Mai (thôn Yên Thái, xã Hoàng Giang, Nông Cống) là một điển hình. Ông Tư từng tham gia chiến trường Campuchia 3 năm 7 tháng. Là thương binh hạng 3/4, Huân chương Chiến Công hạng Ba. Tháng 10.2013, sau khi được duyệt hồ sơ, vợ chồng ông Tư đi vay 30 triệu đồng để hoàn thiện căn nhà dang dở mấy chục năm qua.









Ông Lê Văn Tư, bà Nguyễn Thị Mai (xã Hoàng Giang, Nông Cống) mòn mỏi chờ tiền chính sách để trả nợ. Ảnh: Xuân Hùng



Lãi suất ông Tư vay là 15.000đ/triệu/tháng. Như vậy, mỗi tháng, ông Tư phải trả lãi hết 450.000 đồng. Hai ông bà chỉ trông chờ vào tiền thương binh để sống, giờ phải trả lãi, số còn lại để sống chẳng đáng là bao, trong khi mỗi tháng, ông Tư phải mất gần 1 triệu đồng mua thuốc điều trị vết thương. “Thế nếu không được hỗ trợ tiền thì làm thế nào trả nợ?” – PV hỏi. Ông Tư nói: “Cũng chả biết làm sao, đành chờ Nhà nước thực hiện chính sách vậy”.


Khi chết, mong trả hết nợ


Bà Lê Thị Vân (thôn Kim Sơn, xã Hoàng Giang, Nông Cống) năm nay 73 tuổi. Hồi trẻ bà là thợ cơ khí nhà máy xay Hàm Rồng. Bà từng tham gia tải đạn phục vụ chiến trường bảo vệ cầu Hàm Rồng. Một tai nạn LĐ khiến bàn tay bà bị máy cắt đôi, bà bị mất sức LĐ 31%, thương tật loại 2. Bà đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Kháng Chiến hạng Ba. Hàng chục năm qua, bà lủi thủi một mình trong căn nhà tranh “nắng thì xuyên qua mái, mưa thì dột khắp nơi, tôi thường nhìn mưa rơi khắp nhà rồi khóc” – bà Vân nói.


Khi có chính sách hỗ trợ theo QĐ22, bà được cán bộ các cấp ở địa phương vận động xây mới lại nhà. Theo chính sách, bà sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Từ cơ sở đó, bà Vân đi vay, xây mới lại nhà hết 80 triệu đồng. “Chờ mãi chả thấy tiền hỗ trợ đâu, lên hỏi cán bộ chính sách xã thì được trả lời khi nào có tiền từ trên sẽ báo lại, cũng chả biết đến bao giờ!” – bà Vân chua chát. Bà Vân tính toán, mỗi tháng sẽ trích 1 triệu đồng từ số tiền 1.330.000 đồng tiền lương hằng tháng để trả nợ, số tiền chi tiêu hằng tháng của bà vẻn vẹn chỉ còn 330.000 đồng.


Trước thực tế trên, cán bộ cấp xã, huyện cũng chẳng thể làm được gì ngoài việc cùng gia đình có công chờ đợi. Ông Lê Đăng Quang – Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy xã Hoàng Giang – cho hay, xã đã tiến hành bình xét rất nghiêm ngặt. Có thôn 40 trường hợp chỉ xét được có 1 hộ. “Chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện theo đúng chỉ đạo từ cấp trên, bây giờ dân hỏi, chúng tôi cũng không biết trả lời ra sao” – ông Quang nói. Trả lời PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Mạnh Lân – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống – cho biết: “Chúng tôi chỉ biết thực hiện đúng theo chỉ đạo”.


(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sample Text

Popular Posts

Lưu trữ Blog

Người đóng góp cho blog

Definition List

Download